Với một người phụ nữ đẹp, có thể họ chỉ cần phấn đấu bằng một nửa sức lực là mọi chuyện sẽ như ý, còn với một người phụ nữ xấu, họ phải phấn đấu trên khả năng vốn có.
Dạo này trên mạng hay xuất hiện những bài viết cổ vũ tinh thần chị em rất hay ho như: “10 tuyệt chiêu giúp các nàng trở thành quả… bom sex”, “9 bí kíp giúp con gái tự tin”… Đọc xong rồi, các bà các cô cũng tăng thêm vài phần tự tin vào bản thân. Nhiều lúc, mình cũng thấy việc đem lại niềm vui cho ai đó bằng những lời ca tụng, cổ vũ, khen ngợi hay nói dân dã hơn là “nịnh nhau” một tý thì cũng chẳng chết ai, cả người khen lẫn người được khen đều thấy vui vẻ cả. Nhưng thật ra, với một người không đẹp, mọi lời ủi an chỉ là dối lòng, càng khiến họ cảm thấy mình đáng thương hơn. Ai đó vẫn nói rằng: “Xấu không phải là cái tội” nhưng rõ ràng là “Xấu đúng là một cái tội”, không phải là cái tội nhẹ, mà còn là cái tội rất nặng.
Những tội đó, với nhiều người sinh ra không phải nghiễm nhiên đã có mà là do người ngoài khép vào, bắt mình phải mang cái "tội trạng” mà không một luật pháp, một tòa án nào quy định nhưng suốt đời phải chịu sự trừng phạt trong nỗi cô đơn, trong nỗi tủi hổ từ một bản án cay nghiệt của miệng đời dù chối bỏ cũng chẳng cách nào xóa sạch cái tội… không thuộc về mình ấy. Lại nói, các cụ vẫn khuyên răn con cháu rằng thì là “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, người đời trong những giây phút lạc quan vẫn tự bảo nhau: ”Không có người phụ nữ nào xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp”. Ai cũng biết là thế, nhưng thực tế trong cuộc sống thì luôn ngược lại, ngược đến mức bi hài.
Giữa một cô gái đẹp, có học thức với một cô gái xấu, có học thức thì cô đẹp vẫn luôn có nhiều lợi thế hơn. Ảnh minh họa.
Cái tội ấy nó vốn đã bất công với phụ nữ ngay từ khi còn là một bé gái chưa hiểu rõ khái niệm đẹp, xấu trong đời, bất công từ thuở lọt lòng bất công đi. Đấy là khi người ta nhìn vào một đứa bé là con gái của một cô hoa hậu rồi chép miệng bình luận: “Con hoa hậu mà xấu thế. Chắc mẹ phẫu thuật thẩm mỹ bây giờ mới lòi ra con gái xấu”.
Cái tội ấy nó là khi, người ta nhìn vào một cô ca sĩ có giọng hát hay nhưng không có ngoại hình bắt mắt rồi chê trách: “Hát thì hay nhưng khuôn mặt xúc phạm người nhìn”. Và rồi khi cô ấy chỉnh sửa để thỏa mãn cái thị hiếu của đám đông thì họ lại hùa vào: ”Phẫu thuật chỉnh sửa cho lắm vào, trông như tượng sáp, nhìn ngày xưa còn đỡ hơn”. Hoặc khi thấy một người nổi tiếng ngày càng đẹp hơn, họ lại nghi ngờ: “Đẹp nhân tạo thì hay ho gì. Thà xấu tự nhiên còn hơn”.
Cái tội ấy nào phải đâu chỉ bị ghép cho những người đang phục vụ công chúng, nó hiển hiện ngay trong đời sống hàng ngày. Ở công ty, ở đường phố, ở trường học… luôn có một tốp nam thanh nữ tú ngồi tụm năm tụm bảy để tán phét, bình phẩm về người này người kia, có cô gái nào đi qua chẳng may lọt vào mắt họ là y như rằng một tràng cười khiếm nhã vang lên và một loạt những biệt hiệu chẳng hay ho gì được họ gán ghép cho nạn nhân xấu số. Đến chuyện bà mẹ này bắt con mình phải chia tay cô gái kia chỉ vì cô ấy… xấu hay như nếu con dâu có sinh con đẻ cái thì mọi nét xấu của đứa con đều là tội của người phụ nữ cả. Họ không cho phép người này được phép đẹp hơn nhưng lại chê cười vì một người xấu tự nhiên. Họ kết tội phụ nữ vì mọi điều dù ngay cả họ cứ để bản thân mình là “chú vịt xấu xí” hay khao khát được trở thành “thiên nga xinh đẹp”.
Những cái “cái nết đánh chết cái đẹp”, ai cũng biết, ai cũng hiểu nhưng biết rồi, hiểu rồi lại để đấy mà thôi. Người ta cứ bảo “hồng nhan bạc phận” nhưng nào phải cứ là “hồng nhan” thì đời sẽ bạc. Giữa một cô gái đẹp, có học thức với một cô gái xấu, có học thức - học thức của hai người này có thể bằng nhau hoặc nghiêng lệch về phía cô xấu - thì cô đẹp vẫn luôn có nhiều lợi thế hơn trong công việc.
Cô làm việc không cần cố gắng quá vẫn có cơ hội được thăng chức, cô chẳng cần lên tiếng nhờ vả vẫn có đồng nghiệp nam này đồng nghiệp nam kia trong công ty sẵn sàng làm mọi thứ vì cô, khi cô chẳng may mắc lỗi, cô cũng dễ dàng được bỏ qua. Ngày lễ, ngày tết thậm chí là ngày thường, cô luôn được tặng hoa, tặng quà. Cô thở nhẹ, cô nói khẽ, cô cười duyên, cô khóc buồn vu vơ, cô nói vài câu chuyện chẳng hài lắm… tất cả những thứ bình thường ấy, cô đều được chú ý, ca tụng và tâng bốc.
Đã là gái xấu dẫu có phấn đấu vẫn chỉ là bớt xấu chứ chẳng bao giờ hết xấu được, bởi vì dư luận có bao giờ cho họ cái quyền được hết xấu, được thoát xấu đâu. Ảnh minh họa.
Nhưng nếu cô xấu, cô không những phải phấn đấu gấp năm gấp mười phần người ta mà vẫn chưa chắc được công nhận, cô nói gì cũng thấy mình vô duyên, cũng thấy mình nhạt nhẽo, cô có thể giỏi hơn cô gái đẹp nhưng cô sẽ luôn là con số không vô hình trong đám đông.
Với một người phụ nữ đẹp, có thể họ chỉ cần phấn đấu bằng một nửa sức lực thôi là mọi chuyện rồi sẽ như ý, thì với một người phụ nữ xấu, họ phải phấn đấu trên khả năng vốn có - giống như một mũi tên trên tấm cung lớn của cuộc đời, không ngừng lao về phía trước không cho phép bản thân được dừng lại, vì ngừng lại cũng có nghĩa là ngừng thở, ngừng sống. Vậy mà đôi khi, họ vẫn chẳng được ghi nhận đúng với những gì mà họ đã nỗ lực, đã cống hiến. Họ cũng đã cố gắng tháo bỏ đi vẻ mặt u ám, tự ti của mình để mặc lên mình một chiếc áo tươi vui, tự tin hơn nhưng rồi người đời lâu lâu lại tạt cho họ một gáo nước lạnh đầy cay nghiệt: “Đã xấu còn lố bịch”, “Xấu xí thích gây sự chú ý”…
Đã là gái xấu dẫu có phấn đấu vẫn chỉ là bớt xấu chứ chẳng bao giờ hết xấu được, bởi vì dư luận có bao giờ cho họ cái quyền được hết xấu, được thoát xấu đâu. Nếu có lột xác trở thành một người khác thì người đời sẽ đem những định kiến khinh khi mà ném vào con cái họ sau này. Và nếu chẳng may một cô gái không đẹp được một chàng trai tử tế, đẹp mã hơn nào đó lấy về thì chắc chắn đó chỉ là do lòng thương hại hay là “một câu chuyện cổ tích giữa đời thường”, hay là ca tụng tấm lòng cao thượng của chàng trai và sự “tốt phước” của cô gái.
Bản thân gái xấu khi lấy chồng cũng chẳng thể thoải mái mà hưởng hạnh phúc được lâu, đôi khi lại nghe người này đàm tiếu, người kia mỉa mai. Lúc nào cũng nơm nớp lo sợ chồng đi với gái, hạnh phúc được hưởng cũng như sợi dây mỏng manh, chỉ lo giữ thăng bằng sao cho mình khỏi ngã chứ chẳng kịp đứng lại mà tận hưởng mọi thứ trong đời.
Những lời an ủi lâu lâu người này chia sẻ, người kia khuyên nhủ dẫu có đúng đắn và hay ho đến đâu vẫn chỉ nhắc nhở những người phụ nữ xấu một điều - họ là những kẻ đáng thương và rằng xấu là một cái tội - nếu được tha thứ - chẳng qua vì người đời đã nhân từ độ lượng với họ đấy thôi.
Ừ thì thôi, đã xấu thì chẳng cần có quà nhưng tội gì mà phải đợi chờ người khác tặng mình, đợi chờ người khác sống thay mình, hãy cứ tặng mình quà, tự mình ngẩng cao đầu mà ngạo nghễ trong một con đường riêng chẳng cần ai tranh đua, chẳng cần một ánh mắt thương hại nào!
0 comments:
Post a Comment